Bất động sản công nghiệp sẽ “bứt tốc” nhờ nối lại đường bay quốc tế

Bất động sản công nghiệp sẽ “bứt tốc” nhờ nối lại đường bay quốc tế

16/03/2022

(TBTCO) - Thị trường bất động sản công nghiệp đang ghi nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn đầu tư chất lượng cao, góp phần làm gia tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, quyết định mở cửa đường bay quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án khu công nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn cho đà tăng trưởng của phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2022.

 

Lực hấp dẫn từ các chính sách đúng đắn

 

Theo các chuyên gia, so với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi trong phát triển bất động sản công nghiệp. Điểm mạnh là giá thuê bất động sản công nghiệp của Việt Nam tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay Ấn Độ.

 

Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà phát triển bất động sản công nghiệp trong khu vực, với các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc dự án mới. Nổi bật là các dự án trung tâm dữ liệu và kho vận đang ghi nhận sự gia tăng nguồn đầu tư chất lượng cao.

 

Bất động sản công nghiệp sẽ “bứt tốc” nhờ nối lại đường bay quốc tế
Bất động sản công nghiệp sẽ “bứt tốc” trong thời gian tới. Ảnh: Tuấn Nguyễn

 

Có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đất công nghiệp ở nước ta có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm. Ngoài những điều kiện thuận lợi này, hoạch địch chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam.

 

Kết quả có thể kể đến việc nhiều công ty mới đang gia nhập thị trường do những ưu đãi thuế tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng mở rộng và đa dạng hoá thị trường để không bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam nổi lên với sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng được các nhu cầu từ doanh nghiệp liên quan đến các yếu tố pháp lý và hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng cũng đã có nhiều cải thiện. Nhìn chung, có rất nhiều nhân tố “kéo” các nhà đầu tư về với thị trường Việt Nam, thay cho những địa điểm khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan.

 

Mặc dù giá đang trên đà tăng, song nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội. Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý tương đối đơn giản, các doanh nghiệp cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào và làm việc tại Việt Nam.

 

Kỳ vọng bùng nổ trong hút vốn FDI với nhiều dự án mới

 

Theo thông tin từ Công ty TNHH Savills Việt Nam, đơn vị này đã và đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư và nhà phát triển để giúp họ tìm kiếm các địa điểm mới hoặc đối tác liên doanh mới. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong các thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, một số công ty lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam.

 

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ví dụ như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Do đó việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

 

Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Ngoài ra, số lượng các dự án công nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, với mục tiêu ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu. Bàn về địa lý, các yếu tố mang tính quyết định có thể kể đến: sản phẩm, nhân công, cơ sở hạ tầng, ví dụ như vị trí gần với các bến cảng, sân bay hay gần khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Các chuyên gia đánh giá, dịch bệnh đã gây ra nhiều cản trở đối với việc đầu tư do các hạn chế khi làm việc qua internet. Các công ty khó có thể đưa ra quyết định phù hợp. Với sự trở lại của các chuyến bay quốc tế tới đây, các chuyên gia kỳ vọng sự bùng nổ trong vốn FDI với nhiều dự án mới được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi trong những tháng sắp tới./.

Văn Tuấn

Bài viết khác
Left 2
Left 1
Left 4
Left 3