Dự án bỏ hoang khiến 35ha ruộng mười mấy năm không được một hạt thóc, củ khoai
08/04/2022(Xây dựng) - Suốt 15 năm qua, sau khi người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương của tỉnh để bàn giao gần 35ha ruộng ở các phường Ái Quốc, Nam Đồng thuộc địa bàn thành phố Hải Dương (Hải Dương) cho doanh nghiệp, nơi đây giờ đã trở thành một cánh đồng hoang.
Khu đất “bờ xôi ruộng mật” ngày xưa nay trở thành nơi thả trâu của người dân địa phương. |
Đã từng là “bờ xôi ruộng mật”
Từng là “bờ xôi ruộng mật” quanh năm tốt tươi với màu xanh của lúa, hoa màu, vậy mà suốt 15 năm qua, những thửa ruộng thuộc các khu dân cư Vũ Xá và Phú Lương của các phường Nam Đồng, Ái Quốc trên địa bàn thành phố Hải Dương (Hải Dương) đã trở thành một cánh đồng hoang. Những năm đó, mỗi khi đi trên Quốc lộ 5 qua khu vực này, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy một cánh đồng mênh mông bát ngát, xanh mát quanh năm.
Sau khi rơm lên đống, thóc vào bồ, nông dân ở đây lại tất bật làm đất để gieo cấy vụ lúa mùa sớm. Chỉ hơn 3 tháng là lúa mùa cho thu hoạch, nông dân không cho đất nghỉ mà bắt tay ngay vào làm vụ đông tạo nên những thửa ruộng sáng lúa chiều khoai, hay hôm nay là ruộng lúa, mai đã là những ruộng hành, tỏi, ngô, đậu tương… mát mắt. Cứ như thế, gần 35ha nơi đây đã trở thành điển hình của những cánh đồng hai lúa một màu mang lại thu nhập nuôi sống hàng trăm hộ dân.
Thế nhưng bây giờ, người ta chỉ thấy một cánh đồng hoang tàn, cỏ dại mọc ngang bụng người với những đàn trâu thong dong gặm cỏ. Chỉ có những người nông dân từng một nắng hai sương, nhiều năm gắn bó và canh tác trên những thửa ruộng này mới thấy được hết giá trị của những thửa ruộng nơi đây.
Ông Trần Văn Hanh ở phường Nam Đồng nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vừa chỉ tay ra cánh đồng cỏ mọc lút đầu người vừa than thở: “Nhà tôi trước có 3 sào ruộng ở đây. Bây giờ, anh trông cánh đồng này thế thôi, chứ gần cả đời gắn bó, tôi hiểu rõ sự phì nhiêu của đồng ruộng quê mình. Trước đây, khi chưa bàn giao đất cho doanh nghiệp, những thửa ruộng này hầu như không nghỉ. Dù chúng tôi có thâm canh, xen vụ, làm liên tục nhưng đất vẫn luôn màu mỡ, luôn đem lại những vụ mùa bội thu, nuôi sống hàng trăm hộ dân trong làng”.
Theo ông Hanh, gần 35ha ruộng của khu dân cư Vũ Xá và Phú Lương phần lớn là đất loại 1 hay còn gọi là đất màu. Sở dĩ người nông dân gọi như vậy vì chất đất của những thửa ruộng này là tốt nhất và thâm canh được nhiều vụ nhất. Các thửa ruộng này còn có điều kiện thuận lợi cho canh tác do gần đường giao thông, có hệ thống tưới tiêu đầy đủ, ít bị úng ngập. Cũng vì là đất tốt, “chân màu” nên khi chia ruộng, hầu hết các hộ dân gần đó đều được chia phần.
Bây giờ khi được hỏi, hầu hết những nông dân ở hai khu dân cư trên đều khẳng định những thửa ruộng ở đây là “bờ xôi ruộng mật” bởi nếu 1 sào ruộng ở nơi khác cho thu 2 tạ thóc mỗi vụ thì ở đây phải cao hơn 20-30kg. Vào thời điểm năm 2007, trước khi nông dân bàn giao ruộng cho doanh nghiệp, mỗi vụ năng suất lúa ở đây thường đạt trên 50 tạ/ha. Một người dân ở khu dân cư Vũ Xá từng có 7 sào ruộng ở đây cho biết: “Nếu năng suất lúa cao như bây giờ thì ruộng ở đây có thể cho năng suất tới 75-80 tạ/vụ. Đó là chưa kể vài tạ hành tỏi vụ đông. Nếu nơi đây vẫn là ruộng đồng như xưa, có lẽ mỗi ha cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Giờ là cánh đồng hoang
Dự án Nhà máy chế biến – tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty Cổ phần Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007. Sau khi UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh lần thứ nhất vào tháng 1/2009, dự án có nhu cầu sử dụng tới gần 350.000m2 đất. Chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy với quy mô chế biến nông sản 20,5 tấn/ngày, sản xuất nước ép đóng chai 500 lít/giờ, xây dựng kho cấp đông 30 tấn/ngày, kho trữ đông 4.000 tấn/năm; xây dựng mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp có diện tích 84.560m2, khu vực tiếp nhận thu mua nông sản gồm kho phân loại và kho bảo quản lạnh để đưa vào chế biến rộng 4.000m2… Tổng mức đầu tư dự án hơn 284 tỷ đồng.
Được sự vận động của chính quyền, giữa năm 2008, các hộ dân của 2 khu dân cư Vũ Xá và Phú Lương có ruộng đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với mức 16,2 triệu đồng/sào để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. Sở dĩ các hộ dân nhanh chóng nhận tiền vì mong muốn khi dự án đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, nhiều con em họ sẽ được nhận vào làm việc, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Vậy mà suốt 15 năm qua, người dân chẳng thấy nhà xưởng đâu, đương nhiên là cũng chẳng có con em nào được nhận vào làm việc.
Theo kế hoạch, dự án phải được thực hiện xong trong các năm 2008-2009. Mặc dù đã được UBND tỉnh Hải Dương tạo điều kiện, nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án. Sau khi nhận đất, ngoài việc xây tường bao, đắp luống trồng chuối, doanh nghiệp mới xây được 2 nhà kho rộng khoảng 4.000m2 nhưng bỏ không suốt nhiều năm qua. Diện tích còn lại vẫn để cho cỏ mọc. Để ngăn người dân đem trâu bò ra thả, hoặc “khai hoang” trồng trọt hay gieo cấy, người ta thuê một đội bảo vệ canh gác. Ai muốn đem trâu vào đây chăn phải được đội này cho phép.
Chủ đầu tư mới xây dựng một vài công trình và bỏ hoang suốt từ năm 2007 đến nay. |
“Những năm giặc Mỹ đem bom rải xuống miền Bắc, do nằm giữa cầu Phú Lương và cầu Lai Vu, ven Quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội – Hải Phòng nên nơi đây là trọng điểm bắn phá rất ác liệt. Dù vậy chúng tôi cũng chưa một ngày bỏ ruộng hoang mà vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Việc sản xuất không chỉ nuôi sống người dân mà còn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Vậy mà giờ đây…”, một người dân bỏ dở câu nói với tiếng thở dài và cảm giác tiếc nuối, xót xa.
Suốt 10 năm, từ 2007-2017, dự án của Công ty Cổ phần Vinamit đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho gia hạn 2 lần và cho điều chỉnh tiến độ 1 lần. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn viện dẫn rất nhiều lý do để không triển khai dự án. Không những vậy, doanh nghiệp này còn đề nghị xin chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất dân cư đô thị nhưng không được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận. Giữa năm 2020, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có thông báo yêu cầu Công ty Cổ phần Vinamit phải hoàn thành dự án đưa vào sử dụng chậm nhất là ngày 31/12/2020.
Đầu tháng 02/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai về việc công khai vi phạm đất đai đối với 3 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Vinamit do doanh nghiệp để đất hoang hóa, không triển khai thực hiện dự án. Như vậy, với những gì đang diễn ra, dự án này lại một lần nữa “lỗi hẹn” với UBND tỉnh Hải Dương khi không thể hoàn thành tiến độ theo yêu cầu.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã nhận chuyển nhượng lại dự án này, đang hoàn thiện các thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất. Đã đến lúc, UBND tỉnh Hải Dương quyết liệt hơn nữa trong xử lý dự án chậm tiến độ của Công ty Cổ phần Vinamit. Nếu thấy việc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung, UBND tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phù hợp các quy định của pháp luật nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu đất, tránh tạo dư luận xấu trong nhân dân.
An ninh lương thực đang trở thành vấn nạn của cả thế giới và Việt Nam. Khi mà Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất đất nước đang bị xâm mặn hàng năm, không biết đã và sẽ có bao nhiêu cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” nằm trong tình trạng nêu trên? Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm tới vấn đề an ninh lương thực, nhưng sao các địa phương vẫn luôn cắt đất nông nghiệp để làm các dự án. Chính quyền tỉnh Hải Dương có biết điều này, có nghiên cứu kỹ trước khi cho thực hiện dự án hay cứ làm theo cảm tính, theo phong trào… để giờ nên nông nỗi này.
Bảo Long
Tìm nhanh
Tin Tức BĐS
- 1. Hơn 1,2 triệu tỷ đồng được “bơm” vào thị trường bất động sản
- 2. “Soi” giá loạt dự án căn hộ chung cư tại Tp.HCM
- 3. Khánh thành tuyến đường 6 làn xe kết nối Bình Dương, Đồng Nai với TP HCM
- 4. Doanh nghiệp địa ốc đi "săn" quỹ đất, chuẩn bị cho "chặng đua mới"
- 5. Thông tin mới nhất về Vành đai 4 Tp.HCM qua Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu
- 6. Chính thức thay đổi mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới và điều chỉnh tên gọi từ ngày 1/8
- 7. TP.HCM sẽ tổng hợp ý kiến để xem xét thời gian áp dụng bảng giá đất mới