Hà Nội: Giải pháp cho mục tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị

Hà Nội: Giải pháp cho mục tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị

01/07/2022

(Xây dựng) - Thời gian qua Hà Nội luôn đi đầu trong xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, để đảm bảo mục tiêu “Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2” cần nhiều các giải pháp thiết thực.

ha noi giai phap cho muc tieu dien tich san nha o binh quan dau nguoi khu vuc do thi
Ảnh minh họa.

Để đạt được đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố phấn đấu đạt 29,5 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người; Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 32 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người, trước hết, Hà Nội cần nâng cao vai trò của Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quản lý phát triển nhà ở; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, kế hoạch; Tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành; Tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư; tăng cường giám sát và quản lý sau đầu tư.

Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và đất đai: Đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch, trong đó yêu cầu bố trí quỹ đất phát triển nhà ở (đặc biệt là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội) và quỹ đất dự trữ phát triển phục vụ việc cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư trong tương lai khi hết thời hạn sử dụng (trước mắt quy hoạch trồng cây xanh); quy hoạch lại, tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ; Tập trung phủ kín quy hoạch xây dựng; đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, giáo dục, cơ quan… ra khỏi khu vực nội thành.

Bố trí vốn ngân sách để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân; khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển nhà ở; huy động vốn xã hội hóa, vốn nước ngoài và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội; Tiếp tục thực hiện ưu đãi thuế đối với phát triển nhà ở xã hội; Kiến nghị bổ sung thêm thuế để điều tiết thị trường bất động sản.

Tăng cường kiểm soát các sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong kinh doanh bất động sản; thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà chung cư, phòng, chống cháy, nổ.

Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư xây dựng nhà ở, thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính; Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền. Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về mô hình quản lý sử dụng nhà chung cư phù hợp; Xây dựng cộng đồng dân cư đô thị, nông thôn bền vững. Bên cạnh đó đề xuất giải pháp phát triển các loại hình nhà ở, cụ thể:

Nhà ở xã hội: Tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung; tiếp tục rà soát các quỹ đất; sử dụng nguồn tiền từ quỹ đất 20% (25%) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng hóa các nguồn lực để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp; Tăng cường tuyên truyền chính sách nhà ở xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước và Thành phố.

Nhà ở tái định cư: Kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng; Khuyến khích xã hội hóa đầu tư tạo lập quỹ nhà tái định cư; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo tái định cư; các huyện chuẩn bị thành quận phải rà soát dành quỹ đất xây dựng nhà tái định cư.

Nhà ở thương mại: Phát triển nhà ở thương mại gắn với phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng; Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu, đấu giá, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Ưu tiên phát triển nhà ở tại khu vực nội đô mở rộng. Đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên thì ưu tiên tăng tối đa các chỉ tiêu theo quy hoạch tại khu đất dành để phát triển nhà ở xã hội (chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, dân số).

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Thực hiện gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị; Ưu tiên tập trung cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ, đảm bảo tính mạng, tài sản, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: Phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý, phải được cấp phép xây dựng (khu vực đô thị) và phù hợp phong tục, tập quán kết hợp với bảo tồn, giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống (khu vực nông thôn).

Như vậy, việc thực hiện chỉ tiêu về “Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2” được xác định trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, với các giải pháp thực hiện nêu trên, Thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành đạt chỉ tiêu là có cơ sở và đảm bảo tính khả thi.

Hạ Ly

Bài viết khác
Left 2
Left 1
Left 4
Left 3