Hàng loạt dự án quy mô lớn dồn dập đổi chủ
27/02/2022Vừa qua, Tập đoàn Novaland chính thức trở thành nhà phát triển dự án Grand Sentosa (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện do chủ đầu tư - Công ty CP phát triển Tài Nguyên - gặp khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, một đại gia mới nổi là Masterise Homes cũng công bố sẽ tiếp tục phát triển dự án Sài Gòn Bình An (TP Thủ Đức, TP.HCM). Còn ngay đầu năm mới, những đồn đoán về chủ mới của SwanBay Đại Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đang làm dậy sóng thị trường M&A bất động sản.
Nói riêng về Grand Sentosa, dự án này vốn có tên là Kenton Residences do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn 300 triệu USD. Đầu năm 2010, đơn vị này mở bán 100 căn hộ giai đoạn một với giá khoảng 1.560-2.250 USD/m2. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, dự án buộc phải tạm ngưng do sự đóng băng toàn thị trường.
Novaland và Tài Nguyên bắt tay khởi động dự án Grand Sentosa. Ảnh: NVL.
Novaland và Tài Nguyên bắt tay khởi động dự án Grand Sentosa. Ảnh: NVL. |
Lần lượt được sang tay
Tháng 5/2017, Kenton Residences "hồi sinh" với tên gọi mới Kenton Node cùng số vốn hơn 1 tỷ USD. Dự án lúc này có thêm nhiều hạng mục công trình như căn hộ, khách sạn, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế... Thời điểm đó, hai ngân hàng BIDV và MSB rót hơn 1.000 tỷ đồng, thế nhưng dự án cũng bị ngưng lại sau đó một năm vì vấn đề tài chính.
Với sự tham gia của Novaland lần này, dự án lại được đổi tên một lần nữa thành Grand Sentosa, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024. Dự án giờ đây được chủ mới định vị là tổ hợp thương mại dịch vụ, nhà ở cao cấp và là biểu tượng ở cửa ngõ khu Nam TP.HCM.
Còn ở khu Đông TP, Sài Gòn Bình An cũng đang được "tái sinh" với tên gọi mới The Global City. Dự án trước đây của Công ty HimLam, sau đó được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại, trước khi về tay Masterise Homes mới đây. Thông qua kênh trái phiếu, chủ đầu tư này cũng đã huy động được gần 1 tỷ USD để thực hiện dự án.
Từ quy hoạch ban đầu là khu sân golf 18 lỗ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu nhà ở, nay The Global City được điều chỉnh thành một khu đô thị cao cấp, với sự tham gia quy hoạch và thiết kế của công ty kiến trúc hàng đầu thế giới Foster+Partners.
The Global City đang được thi công nhộn nhịp sau khi về tay Masterise Homes. Ảnh: Quỳnh Danh.
The Global City đang được thi công nhộn nhịp sau khi về tay Masterise Homes. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, với SwanBay Đại Phước, hai nhà đầu tư nước ngoài từng sở hữu 92% cổ phần là SNC Investments 27 và SNC Investments 28 (thuộc Tập đoàn bất động sản công nghiệp Trung Quốc China Fortune Land Development - CFLD) đã không còn tên trong danh sách cổ đông.
Dự án trước đây có tên gọi là Khu đô thị Đại Phước Lotus, thuộc sở hữu của liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Tập đoàn VinaCapital. Được chấp thuận đầu tư từ năm 2005 nhưng dự án đã bị đình trệ trong thời gian dài.
Đến năm 2017, sau khi hoàn thành 2 khu biệt thự và villa, VinaCapital nhượng lại toàn bộ phần đất chưa triển khai và một số hạng mục cho CFLD. Sau lần đổi chủ này, dự án được đổi tên thành SwanBay Đại Phước và phát triển thêm nhiều hạng mục biệt thự và villa nghỉ dưỡng, được bán ra với thương hiệu bất động sản SwanCity của CFLD.
Hiện nay, nguồn tin của Zing tại Công ty CP Địa ốc Phú Long (thuộc Tập đoàn Sovico) xác nhận doanh nghiệp này đang trong quá trình thực hiện M&A dự án SwanBay Đại Phước. Hai bên đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng.
Năm bứt phá của M&A bất động sản
Trao đổi với Zing, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, nhìn nhận sau một năm 2021 có phần trầm hơn do dịch bệnh, hoạt động mua bán sẽ bứt phá trong năm nay do các điều luật được sửa đổi, tạo ra cơ chế thông thoáng hơn để triển khai dự án, làm nguồn cung dự án dồi dào hơn trên thị trường, kích thích các hoạt động chuyển nhượng, hợp tác.
Bên cạnh đó, nền lãi suất thấp cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng, chưa kể thị trường chứng khoán đang là kênh huy động vốn tốt cho các doanh nghiệp.
Đó là lý do những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Novaland, Masterise, Phú Long... đã khởi động cuộc chơi M&A ngay từ đầu năm.
Theo ông Phan Xuân Cần, những năm qua, họ cũng hoạt động sôi động trên thị trường mua bán, chuyển nhượng.
Dự án SwanBay Đại Phước sắp về tay Phú Long. Ảnh: Quỳnh Dan
Dự án SwanBay Đại Phước sắp về tay Phú Long. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi Phú Long thường nhắm đến những dự án của các công ty Nhà nước đã cổ phần hóa, Novaland có xu hướng mua lại dự án ở các địa phương lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... và mở rộng quy mô để tái định vị thành các đại đô thị.
Masterise Homes lại chọn lựa dự án kĩ lưỡng để hướng đến phân khúc khách hàng siêu sang, với những sản phẩm được coi là cao cấp nhất trên thị trường. Giá các căn hộ ở TP.HCM của chủ đầu tư này lên đến 18.000-20.000 USD/m2, trong khi ở Hà Nội cũng khoảng 600-700 triệu đồng/m2.
Vị Chủ tịch Sohovietnam cho rằng sự tham gia của những chủ đầu tư này vào các dự án đang dang dở có thể thúc đẩy tiến độ dự án, mặt khác nâng giá trị tài sản bất động sản.
"Trước khi nhận lại, các doanh nghiệp thường đã đánh giá nghiên cứu thị trường, sau đó trả một số tiền lớn để mua, do đó họ đều phải nâng sản phẩm lên phân khúc cao hơn để đạt hiệu quả tài chính.
Điển hình như Masterise, giá bán dự kiến cho một căn liền kề ở The Global City khoảng 300-350 triệu đồng/m2, cao gấp đôi, gấp ba mặt bằng chung khu vực", ông Phan Xuân Cần phân tích.
Theo chuyên gia này, thị trường M&A bất động sản mới chỉ sôi động trong khoảng 10 năm trở lại đây và chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Người mua cũng đang dần trở nên “kĩ tính”, lựa chọn tài sản cẩn thận, đặc biệt không còn hứng thú với những dự án dính đất công hoặc chưa “sạch” pháp lý. Đây sẽ là nền tảng tạo nên một thị trường chuyển nhượng nói riêng và bất động sản nói chung bền vững trong thời gian tới.
Tìm nhanh
Tin Tức BĐS
- 1. Hơn 1,2 triệu tỷ đồng được “bơm” vào thị trường bất động sản
- 2. “Soi” giá loạt dự án căn hộ chung cư tại Tp.HCM
- 3. Khánh thành tuyến đường 6 làn xe kết nối Bình Dương, Đồng Nai với TP HCM
- 4. Doanh nghiệp địa ốc đi "săn" quỹ đất, chuẩn bị cho "chặng đua mới"
- 5. Thông tin mới nhất về Vành đai 4 Tp.HCM qua Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu
- 6. Chính thức thay đổi mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới và điều chỉnh tên gọi từ ngày 1/8
- 7. TP.HCM sẽ tổng hợp ý kiến để xem xét thời gian áp dụng bảng giá đất mới