Những lưu ý khi nhờ người đứng tên sổ đỏ hộ

Những lưu ý khi nhờ người đứng tên sổ đỏ hộ

22/03/2022

(Xây dựng) - Nhờ người khác đứng tên sổ đỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu có đủ chứng cứ để xác định nguồn tiền mua lô đất đó là của bạn, Tòa án có thể xem xét giải quyết theo hướng buộc người đứng tên hộ trả lại đất hoặc trả lại tiền tương đương với giá trị lô đất cho bạn.

 

nhung luu y khi nho nguoi dung ten so do ho
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

 

Làm gì khi người đứng tên sổ đỏ giúp không trả lại tài sản?

 

Theo Khoản 16 Điều 13 Luật Đất đai năm 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

 

Theo Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

 

Căn cứ vào các quy định nêu trên, người đứng tên thay tên trên sổ đỏ được quyền định đoạt quyền sử dụng đất trên lô đất đó.

 

Tuy nhiên, nếu bạn là người chi tiền mua một lô đất, người đứng tên thay trên sổ đỏ chỉ mang danh nghĩa, có viết giấy tờ tay ghi nhận việc này thì bạn có thể dùng những tài liệu này và các chứng cứ khác (nếu có) để yêu cầu người đứng tên thay trả lại đất cho bạn.

 

Nếu người đứng tên thay không chịu trả lại đất thì bạn gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để họ tổ chức hòa giải theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013.

 

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

 

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã hòa giải không thành thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

 

Lưu ý, bạn cần cung cấp cho Tòa án giấy tờ ghi nhận việc người đứng tên hộ chỉ là danh nghĩa, còn tiền mua đất là của bạn; các chứng cứ khác (nếu có) như tin nhắn điện thoại, email, cuộc gọi có ghi âm nhắc đến việc người thân chỉ đứng tên giúp trên sổ đỏ.

 

Nếu có đủ chứng cứ để xác định nguồn tiền mua lô đất đó là của bạn thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết theo hướng buộc người đứng tên hộ trả lại đất cho bạn hoặc trả lại tiền tương đương với giá trị lô đất.

 

Hạ Nhiên

Bài viết khác
Left 2
Left 4